Theo Gà Đá Các cụ thường bảo “Thóc đâu mà đãi gà rừng”, vậy mà thời nay, nhiều người không chỉ săn tìm gà rừng về nhà nuôi, mà còn bỏ ra bao công sức thuần hóa loài sơn cầm này để nuôi làm cảnh, ngày ngày ngắm vẻ đẹp và nghe tiếng gáy cho thỏa đam mê. Nuôi gà rừng đang vừa là thú chơi mới đầy thú vị, vừa là mô hình “hái” ra tiền.
Lên núi “săn” sơn cầm
Lâu nay, nghe kể nhiều về thú chơi gà rừng và những người có niềm đam mê kỳ lạ là ngày đêm kỳ công thuần hóa gà rừng, lần này, tôi và anh bạn quyết tâm tìm đến thôn Bản Láng, xã Bản Qua (Bát Xát), rồi lên núi diện kiến người thợ bẫy gà rừng thiện nghệ. Sau chặng đường dốc ngược, có đoạn trơn trượt phải xuống gù lưng đẩy xe thì chúng tôi cũng đến được lán của ông Phan Văn Ky. Căn lán nứa nằm lọt thỏm giữa rừng cây um tùm. Ông Ky năm nay ngoài 40 tuổi, dáng cao ráo, nước da đen sạm; ông kể cho chúng tôi nhiều chuyện ly kỳ về loài gà rừng mà ông biết được qua những năm tháng xuyên rừng xanh, núi đỏ đi bẫy loài sơn cầm này.
Ông Phan Văn Ky thuần dưỡng và lai tạo thành công đàn gà rừng.
Theo ông Ky, gà rừng có nhiều điểm khác với gà nhà, chúng chỉ nặng từ 1 – 1,2 kg, dáng cao, thân dài như bi chuối rừng, chân màu chì nhỏ và có bộ lông đỏ vàng sặc sỡ. Gà rừng có khả năng bay như chim và rất nhát người. Vào mùa đông, bộ lông mã của gà rừng trống rụng hết, chỉ còn lông màu đen, mào cũng teo nhỏ lại và chuyển sang màu thâm đen. Thế nhưng khi mùa xuân đến, cũng là mùa sinh sản, gà rừng trống khoác lên mình bộ lông thật rực rỡ với màu đỏ, vàng, ánh xanh. Cái mào cờ trên đầu gà trống lúc này nở to và đỏ tươi, làm cho dáng vẻ của nó thêm oai vệ. Điều đặc biệt là mỗi năm, gà rừng mái chỉ đẻ 2 lứa vào tháng 3 và tháng 6, mỗi lứa đẻ từ 5 – 7 quả trứng. Trong khoảng thời gian này, gà trống và gà mái sống theo đôi chứ không đi theo đàn như các mùa khác.
Gà rừng trống vào mùa sinh sản gáy rất hăng và rất hiếu chiến, chỉ cần có gà khác xâm phạm lãnh thổ là bay đến tấn công ngay. Nhờ khả năng bay tốt, nhanh nhẹn và có đôi cựa đen nhọn hoắt như hai cây kim sắt, nên gà rừng rất thiện chiến. Ông Ky bảo năm ngoái, ông mang một con gà trống chuồng tầm 3 kg lên lán. Nghe thấy tiếng gáy lạ, con gà rừng già trên núi bay xuống đánh nhau với gà trống chuồng cả tiếng đồng hồ. Kết quả là con gà trống chuồng bị gà rừng đá cho thủng diều, mù mắt, chết ngay tại chân đồi. Từ đó, ông Ky không dám mang gà trống nhà lên lán nữa, mà mua mấy con gà mái tre đem lên lán thả vào rừng để lai tạo ra đàn gà rừng.
Phải đợi đến gần trưa và mai phục mỏi chân trong bụi cây sau lán, chúng tôi mới chụp được ảnh đàn gà rừng tuyệt đẹp của ông Ky. Đàn gà có hơn chục con, bay từ cánh rừng rậm rạp về nhặt thóc ở bãi đất rìa lán, mấy con trống cất tiếng gáy vang góc rừng, còn gà mái màu nâu đen thì túc túc đi theo gà trống. Tiếng gáy của gà rừng thật đặc biệt, không thể lẫn với gà nhà, thậm chí gà tre. Gà rừng gáy ngắn gọn, dứt khoát, khỏe khoắn nhưng ngân vang và đầy uy phong. Chính vẻ đẹp và tiếng gáy đặc trưng của gà rừng đã khiến cho nhiều người thích chơi gà mê mẩn.
“Xóm” gà rừng
Sau chuyến lên núi diện kiến thợ bẫy gà rừng Phan Văn Ky, chúng tôi trở lại Bản Láng vào một sớm. Đây là bản định cư của đồng bào dân tộc Giáy, nằm tựa lưng vào dãy núi Nhạc Sơn xanh ngút ngàn cây. Trong gian nhà gỗ đơn sơ dưới chân núi, Hồ Văn Hiển – chàng trai người Giáy khoe với tôi chú gà trống lai rừng tuyệt đẹp. Anh Hiển để con gà rừng trên tay, chú gà nghiêng ngó một lúc, rồi cong cổ, ưỡn ngực, đập cánh, cất tiếng gáy vang. Cái dáng vẻ oai vệ, sự nhanh nhẹn, khỏe khoắn và tiếng gáy đặc biệt của chú gà rừng khiến tôi mê ngay. Hồ Văn Hiển bảo ở Bản Láng, từ một, hai người nuôi gà rừng, giờ đây thú chơi này được nhiều người quan tâm, đặc biệt là anh em dòng họ Phan. Các ông: Phan Văn Ky, Phan Văn Sửu, Phan Văn Thắng…là điển hình về nuôi gà rừng. Mỗi nhà có đàn gà rừng cả chục con lớn nhỏ, còn nuôi vài ba con để nghe tiếng gáy thì cũng không ít.
Theo anh Hiển, việc thuần hóa và chăm sóc gà rừng tưởng dễ nhưng không hề đơn giản, vì khi bắt từ rừng về nuôi, đa số gà rừng đều bị chết hoặc sống nhưng gầy yếu và không sinh sản được. Để thuần hóa và chăm sóc được gà rừng, sau khi bắt được cần nhốt chúng ở nơi thật yên tĩnh, sau đó bỏ thóc, nước cho chúng tự ăn uống. Hằng ngày, người nuôi cần bổ sung đủ thức ăn tươi như sâu, gián, giun, dế, cào cào…cho chúng. Một thời gian sau, khi gà đã quen dần với môi trường sống, người nuôi nên tiếp xúc với chúng nhiều hơn cho gà đỡ nhát; thời điểm gà rừng đã khá thuần và cất tiếng gáy thì thả gà mái nhà vào cho chúng ghép đôi và sinh sản ra lứa gà lai F1. Gà rừng lai được con người nuôi từ nhỏ, vẫn giữ được vẻ đẹp và giọng gáy đặc trưng của gà hoang dã, nhưng dạn người và dễ nuôi hơn. Từ đây, có thể lai ra các thế hệ gà rừng F2, F3, F4… Ở Bản Láng trước đây, đồng bào Giáy nuôi gà rừng để nghe tiếng gáy cho vui. Còn hai năm qua, phong trào nuôi gà rừng lai làm cảnh và phục vụ cho các nhà hàng đặc sản ngày càng phát triển, nên gà rừng lai ở Bản Láng bán rất được giá. Mỗi chú gà trống lai gà rừng trưởng thành có mã đẹp, giọng gáy hay giá từ 1 – 1,5 triệu đồng; gà mái 500 nghìn đồng/con, còn gà nhỏ thì 200 – 300 nghìn đồng/đôi. Nuôi gà rừng trở thành nghề “hái” ra tiền của một số hộ dân ở đây.
>> Kinh nghiệm nuôi gà
“Nốt nhạc rừng” giữa lòng thành phố
Không chỉ ở các bản làng vùng cao, mà mấy năm gần đây, phong trào chơi gà rừng đã xuất hiện ở thành phố Lào Cai và thu hút nhiều người tham gia. Ngay giữa lòng thành phố Lào Cai nhộn nhịp, ồn ào, tôi gặp một góc nhỏ đam mê của anh Phan Xuân Dũng, hiện làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Trên gác thượng nhà anh Dũng, mỗi buổi sáng, trưa đều ngân vang tiếng gà rừng gáy như một bản hợp xướng. Từ 3 năm qua, anh Dũng đầu tư làm chuồng lưới để nuôi gà rừng sinh sản. Anh Dũng bảo, niềm đam mê gà rừng đã ăn vào máu mình rồi, một ngày không được nghe tiếng gà rừng gáy thấy như thiếu thiếu thứ gì. Mỗi buổi sáng sớm, tiếng gà rừng gọi anh thức dậy đi làm mà chẳng cần phải đặt đồng hồ báo thức. Khi đi làm về, được chăm sóc đàn gà rừng, anh thấy bao mệt mỏi đều tan biến hết. Đặc biệt, từ gác thượng nho nhỏ, dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của anh Dũng, hàng chục chú gà rừng con thuần chủng đã ra đời, là món quà quý anh dành tặng cho những người bạn cùng đam mê, hoặc bán cho dân chơi gà rừng ở thành phố.
Anh Hồ Văn Hiển và chú gà rừng yêu quý.
Dạo quanh phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) vào mỗi buổi sớm tinh sương, tôi đều nghe tiếng gà rừng gáy vang từ khu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và một số nhà dân quanh đó. Anh Liêu, làm công tác phục vụ tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh nên ở ngay tại trường. Mượn nhà trường được mảnh đất nhỏ, anh làm chuồng nuôi gà rừng cho thỏa đam mê. Anh Liêu chỉ cho tôi đàn gà rừng đang bới đất trong vườn trường, giọng tự hào: Đôi gà rừng này, tôi mua tận miền Trung ra. Giống gà rừng trong đó khác với gà rừng ngoài Bắc là hai bên tai nổi bật hẳn “đồng xu” to màu phấn trắng. Nhờ có tai trắng mà nó có vẻ đẹp riêng, trông rất oai vệ. Từ nhỏ tôi đã gắn bó với núi rừng, tiếng gà rừng gáy trở thành âm thanh quen thuộc của tuổi thơ, của quê hương. Công việc bây giờ bận rộn, nhưng những lúc được ngắm đàn gà rừng dẫn nhau đi kiếm mồi và nghe tiếng gáy của chúng, tôi thấy tâm hồn thư thái, như được trở về với thời chăn trâu, cắt cỏ vô ưu, thật không gì bằng…
Đá gà trực tuyến ngay tại nhà và nhận khuyến mãi cực lớn khi đăng ký tham gia tại: da ga truc tuyen