Có thể nói đây là giống gà nhỏ nhất Việt Nam nếu không tính đến các giống gà cảnh ngoại nhập. Gà mái có trọng lượng từ 400 gam đến 600 gam, gà trống nặng từ 500 gam đến 800 gram nhưng trọng lượng lý tưởng nhất là từ 600 gam đổ lại đối với gà trống, cá biệt một vài cá thể trống chỉ nặng 400 gram mà thôi.
Màu lông
Màu lông của gà tre hiện nay rất đa dạng về màu sắc nhưng có thể đó là sản phẩm của sự lai tạo với các giống gà khác. Căn cứ vào sự thống kê không chính thức các ý kiến của những người đã sống vào những thập niên 40, 50 thế kỉ trước ở miền Tây Nam Bộ thì gà tre có ba sắc lông chính sau:
- Gà chuối: Gà trống mang trên mình ba màu lông là trắng, đỏ và đen: Lông cổ và mã trên lưng là màu trắng ngà, có điểm sọc đen mờ ở giữa. Lông cánh thường là pha trộn các sắc lông đỏ, đen và vàng. Lông ngực, bụng và đuôi có màu đen tuyền. Gà mái với bộ lông pha lẫn giữa trắng và đen. Gà chuối chiếm số lượng xấp xỉ 60% lúc bấy giờ.
- Gà điều: Gà trống có phần thân và đuôi có màu sắc như gà chuối nhưng lông cổ và lông mã trên lưng có màu đỏ lửa hoặc đỏ tía có thể nói là giống với màu lông của các loại gà rừng Đông Nam Á, gà mái có màu vàng nâu lẫn với màu đen. Số lượng gà điều thường chiếm dưới 30%.
- Màu sắc khác: Một số cá thể trống có màu sắc như gà chuối nhưng khoảng 1/3 lông cổ tính từ đầu trở xuống và phần lông mã giữa lưng lại có màu đỏ tía, sự kết hợp hết sức hài hòa giữa hai màu lông trắng và đỏ tạo cho các cá thể này có ngoại hình thu hút khá đặc biệt.
Các màu khác như đen, xám, trắng, vàng...Trước đây rất ít phổ biến và bị xem như không thuần chủng.
Lông gà bóng mượt, khá dài và ôm chứ không quá xù như một số gà cảnh ngoại nhập hiện nay.
- Màu sắc mỏ và chân: Lý tưởng nhất cho gà thuần chủng là màu vàng tươi.
- Mồng gà (mào): Phổ biến nhất là mồng lái, kích thước vùa phải và luôn thẳng đứng gần giống mồng gà rừng.
- Đuôi: Đuôi gà nghiên một góc 30 đến 40 độ so vói mặt đất với nhiều lớp lông phủ lên nhau, lông đuôi gà trống thừơng dài và nhiều. uốn cong thành một cung tròn, những sợi dài nhất có thể dài chạm đất, thậm chí kéo lê trên đất hai, ba xăng-ti-mét. Tuy nhiên đuôi gà tre Nam Bộ lại không xòe rộng sang hai bên theo kiểu đuôi tôm.
- Chân: Chân gà tre Nam Bộ tương đối cao so với các giống gà cảnh ngày nay với cẳng chân thon, nhỏ dài bằng với đùi gà. Gà trống có bộ cựa rất phát triển, thường là cựa kim dài và cong vút rất lợi hại
- Vóc dáng tổng thể: Gà có vóc dáng khá gọn gàng, đẹp mắt, dáng đi nhẹ nhàng và khỏe mạnh.
Sinh trưởng, nuôi dưỡng
Trước đây gà tre được nuôi thả trong vườn nhà và gần như không thể thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, cụ thể là chúng rất khó sinh sản nếu nhốt trong chuồng hẹp, khoảng thập niên tám mươi người viết bài này đã thử nhốt chung một cặp gà trưởng thành vào chuồng có kích thước 80x80x80mm. Gà mái vẫn đẻ trứng nhưng không có trống do gà trống không đạp mái.
Khả năng sinh sản
Gà có thể trưởng thành sau sáu tháng nuôi tuy nhiên để thật sự thành thục thì phải sau tám tháng với gà mái và một năm đối với gà trống. Khả năng đẻ trứng của gà mái có sự thay đổi tùy theo cá thể. Nếu để sinh sản tự nhiên gà đẻ khoảng ba đến bốn lứa một năm. Nếu ta lấy trứng không cho gà ấp thì mỗi lứa trứng sẽ cách nhau từ hai mơi đến ba mươi ngày. Số lượng trứng mỗi lúa thường trên dưới mười quả, một số cá thể có thể đẻ liên tục hai mươi quả trên một lứa. Tuy nhiên đây là giống gà ít được nuôi phổ biến nên một số trường hợp bị thoái hóa do cận huyết số trứng mỗi lứa có khi chỉ là năm sáu quả mà thôi, thậm chí gà đẻ không liên tục.
Sức đề kháng
Gà tre thuần chủng có sức đề kháng khá tốt đối với dịch bệnh, tuy nhiên gà con thường yếu trong giai đoạn tháng đầu tiên sau khi nở.
Tính hiếu chiến và chiếm hữu lãnh thổ
Gà tre trống rất hiếu chiến và cò tính bảo vệ lãnh thổ rất cao đối với những đối thủ cạnh tranh nhưng sẵn sàng bỏ qua cho những con trống cùng bầy nếu như những con này chịu phục tùng nó, tức là không dược gáy trước mặt nó và dĩ nhiên là không được tranh giành gà mái với nó.
Gà tre trống đá rất giỏi và lì đòn, nhất là các con gà được hai năm tuổi trở lên (nếu nhỏ hơn tuổi này chúng rất dễ bỏ chạy khi đang đá để rồi sau đó quay lại đá tiếp rồi lại bỏ chạy cứ thế lặp đi lặp lại vài lần rồi chạy hẵn), khi đó chúng có thể đánh bại những đối thủ nặng ký hơn gấp ba, bốn lần thuộc các giống gà thịt, thậm chí gà chọi (gà nòi) tơ cũng không phài là đối thủ. Một trận đấu của hai con gà tre trưởng thành kéo dài vài tiếng đồng hồ là thường. Nhiều người cho rằng chúng đá tới chết là hơi phóng đại, tuy nhiên một trong hai con có thể chết sau đó do bị thương quá nặng hoặc không thể nào phục hồi lại thể lực là có thật.
Tình trạng bảo tồn
Trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, gà Tre Nam Bộ bị suy giảm số lượng nghiêm trọng do các nguyên nhân sau:
- Không mang lại hiệu quả kinh tế nên không được nuôi.
- Bị lai tạo với các giống gà thịt khác để tăng trọng lượng rồi bán về thành thị làm món đặc sản vì thịt gà tre vốn có tiếng là ngon.
- Trẻ em thành phố, thị xã ngày nay không còn ham thích nuôi do có nhiều thú chơi khác (mà có lẽ các bậc phụ huynh ngày nay cũng không thích con mình nuôi gà), tuy nhiên ởnông thôn lại khác, những đứa con trai đều nuôi để chọi (đá) gà.
- Bị lai tạo với gà chọi (gà nòi lông), gà Mỹ nhằm cải thiện tầm vóc, thể lực và khả năng dùng cựa sắt phục vụ cho giới chọi gà.
- Cơn sốt các giống gà cảnh khác như gà tre Tân Châu mà thực ra là một sản phẩm lai tạo từ gà tre Nam Bộ với các giống gà khác của những người nuôi gà cảnh vùng An Giang, gà tre Thái Lan, Malaisia, Nhật Bản... đã thúc đẩy những người nuôi gà cảnh ít ỏi còn lại từ bỏ giống gà tre nguyên thủy hoặc lai tạo chúng với các giống gà trên càng làm cho gà tre Nam Bộ tiến nhanh đến nguy cơ tuyệt chủng.
Số lượng của chúng giờ đây hiếm đến mức một số người mà chúng ta tạm gọi là làm công tác khoa học khi viết về gà tre Nam Bộ, gà tre Việt Nam nhưng không thể có tư liệu để tham khảo, mẩu gà để khảo sát nên Đã cung cấp thông tin sai cho người đọc. Thậm chí ảnh minh họa cũng sai nốt. Còn nếu vào Google tìm ảnh "Gà tre Nam Bộ" hoặc thì cái chúng ta nhận được chỉ là ảnh của các con gà lai mà thôi. họa hằng lắm mới có một bức ảnh mang được 70-80% nét đặc trưng của gà tre Nam Bộ xưa. Ngay cả một chủ trại gà cảnh chuyên nghiệp tại Tiền Giang-chiếc nôi của Gà tre Nam Bộ cũng thừa nhận là những con gà được gọi là "Tre rặc" mà ông đang cố lưu giữ làm giống cũng chỉ đạt 90% độ thuần chủng.
Kết luận
Gà tre Nam Bộ là một nguồn gen độc đáo của Việt Nam nhưng do không được quan tâm nên số phận chúng đã gần như mai một. May là ở đâu đó thuộc những nơi vùng sâu vùng xa còn sót lại một vài nhóm cá thể thuần chủng. Nếu có thì chúng cũng rất dễ suy thoái do cận huyết hoặc bị lai tạo với các giống gà khác do tập quán nuôi thả tự nhiên và sự thiếu quan tâm của nhiều người.